Cần lắm Kiến Trúc Xanh

  • Admin
  • 10-07-2017
  • 1385 Lượt xem

Khi mà biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng phức tạp, trái đất có xu thế nóng lên thì việc bảo vệ môi trường sống là hết sức cấp thiết. Ở các nước đang phát triển

Khi mà biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng phức tạp, trái đất có xu thế nóng lên thì việc bảo vệ môi trường sống là hết sức cấp thiết. Ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa nền kinh tế khiến cho môi trường sống đang bị đe dọa từng ngày và rất khó kiểm soát.

Phát triển đô thị dễ phá hủy môi trường

Câu chuyện về “gã khổng lồ” Trung Quốc thức dậy cho thấy nền kinh tế nước này đang phát triển một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Khắp thế giới đều biết đến Trung Quốc là một nước có nền kinh tế lớn mạnh và cái giá đắt mà quốc gia này phải nhận lại là người dân ở các đô thị lớn phải sống cảnh chìm trong khói bụi. Vì lẽ đó, cái tin người dân thủ đô Bắc Kinh phải mua khí sạch để thở cũng gây sốt cho báo chí và truyền thông quốc tế.

Riêng ở Việt Nam trong những năm gần đây, tình trạng  ô nhiễm môi trường ở những đô thị lớn như TP.HCM, thủ đô Hà Nội ở mức báo động. Liên tiếp từ đầu năm 2016, chúng ta phải hứng chịu nhiều thảm họa về môi trường. Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) vài lần nhận định Hà Nội có đợt ô nhiễm không khí cao và nguy hiểm nhất thế giới vượt cả Bắc Kinh (Trung Quốc) và Ardhali Bazar (Ấn Độ). TP.HCM thì ngập lụt đến mức “thất thủ”, đường phố nước chảy như sông và sân bay thì ngập nước. Tình trạng khói bụi gây ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

             

Một công trình xanh tại Singapore

Tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM quy hoạch đi sau phát triển đô thị, gây nên nhiều hệ lụy như ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị...Cuộc chạy đua đất nền và thực hiện dự án của các chủ đầu tư bất động sản mà không quan tâm đến tính đồng bộ với cơ sở hạ tầng kết nối, phớt lờ cảnh báo tình trạng lộn xộn trong quy hoạch đến từ các chuyên gia, cũng như giới truyền thông báo chí. Trong khi để khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở, chung cư, nhà văn phòng...dày đặc là việc dường như bất khả thi, cần phải có các cơ quan ban ngành hửu quan vào cuộc mạnh mẽ, quy hoạch đô thị phải đồng bộ và đi trước một bước.

Mọi nỗ lực để giả quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... như mở thêm đại lộ, đường vành đai, xây cầu vượt, kéo các dự án ra khu vực ngoại thành, cải tạo kênh rạch, trồng thêm cây xanh...tuy nhiên về lâu dài thì cần có những giải pháp tối ưu hơn, bền vững hơn cho môi trường sống con người nơi đô thị.

Kiến trúc xanh một giải pháp tuyệt vời

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền thụ cho con cháu sau này bài học về ích lợi của việc trồng cây xanh. Vị lãnh tụ đã chọn hẳn ngày mùng 5 là “Tết trồng cây”, để thấy rằng cây xanh quan trọng với môi trường sống chúng ta thế nào. Trong việc phát triển đô thị, thì việc giữ lại cây xanh, đưa cây xanh vào đô thị không hề đơn giản. Khái niệm Kiến trúc xanh đối với Việt Nam vẫn còn khá mới mẽ.

Bà Melissa Merry Weather - Giám đốc Công ty Green Consult - Asia, Chủ tịch Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), cho rằng, công trình xanh là một xu thế mạnh trên thế giới, nhưng đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam vẫn còn khá mới. Tuy nhiên, hiện công trình xanh có thể được thực hiện ở Việt Nam, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên. Đó chính là sự cộng hưởng cùng tham gia trong sự phát triển công trình xanh của các nhà đầu tư, các ngành nghề trong lĩnh vực xây dựng.

Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 61 công trình xanh, ít hơn rất nhiều so với 2.100 dự án tại Singapore và tại Đài Loan là 500. Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, kiến trúc xanh tại Việt Nam chưa nhiều nhưng đang dần được phổ biến. Trên thế giới, mỗi nước có những tiêu chí về công trình xanh khác nhau, để phù hợp với điều kiện và môi trường của từng quốc gia. Tuy nhiên, kiến trúc trồng nhiều cây xanh không có nghĩa đó là một công trình kiến trúc xanh.

ThS.KTS Nguyễn Huy Khanh cho hay, nhiều người nghĩ rằng công trình xanh là công trình trồng nhiều cây xanh, đây là một nhầm lẫn khá phổ biến, lí do cũng rất dễ hiểu: Vì thuật ngữ Công trình xanh đa phần được hiểu theo nghĩa đen. Chính vì vậy, rất nhiều KTS đã sử dụng thủ pháp đưa nhiều cây xanh vào công trình, đặc biệt là việc đưa cây xanh lên các vị trí trên cao, nhất là trên mái để gây ấn tượng cho khách hàng đồng thời dễ thuyết phục họ bởi tính nhân văn của ý tưởng. Tuy nhiên, để giải quyết các giải pháp kĩ thuật cho việc trồng cây trên cao lại là các giải pháp phức tạp, tốn kém và khó khăn cho việc duy trì. Việc lạm dụng trồng nhiều cây xanh cho công trình, thậm chí làm cho giá trị “xanh” thực bị ảnh hưởng.

          

  Đông đảo khách hàng quan tâm tại một dự án bất động sản có KTX tại TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty Đất Lành cho rằng, người ta nói “màu xanh dối lừa” có nghĩa là công trình đó chỉ mang hình thức bên ngoài là màu xanh chứ không phải thực sự từ bên trong. Phải biết chọn lựa loại cây xanh phù hợp với từng công trình. Không chỉ có cây xanh mới gọi là kiến trúc xanh mà phải hội đủ nhiều tiêu chí như sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm và tái chế nguồn năng lượng, sử dụng nước thải, nước mưa...Nhiều doanh nghiệp bất động sản chạy lấy chứng chỉ xanh, hoặc đăng ký chứng chỉ xanh mà không biết có thực hiện được hay không, họ chỉ nhắm tới mục đích quảng cáo và tăng giá bán.

Như vậy, nếu nhìn một cách tổng thể các hệ thống đánh giá như đã nêu ở trên, ta thấy được các tiêu chí chung đối với một công trình xanh cần đạt được là 3 yếu tố cốt lõi: Sử dụng năng lượng hiệu quả, Tương tác thân thiện môi trường và Tác động nâng cao ý thức cộng đồng.

Là một đơn vị rất hăng hái với kiến trúc xanh, bất động sản xanh, Phúc Khang đã giới thiệu cho khách hàng chuỗi Diamond Lotus, công trình xanh theo tiêu chuẩn Leed (USGBC – Hoa Kỳ). Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho biết, “Kiến trúc xanh”, “Công trình xanh” (CTX) hay còn gọi là “kiến trúc bền vững” là những thuật ngữ rất phổ biến và đã trở thành xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị của Thế Giới. Nhưng ở Việt Nam, sự phát triển của CTX vẫn chủ yếu dựa vào tâm huyết và sự tự nguyện của các chủ đầu tư. Trên thực tế, không có một CTX nào dễ thực hiện mà không đòi hỏi sự nghiêm túc và cái tâm, cái tầm của các thành phần tham gia phát triển dự án. Bởi, phát triển CTX chắc chắn sẽ tăng chi phí đầu tư ban đầu và cần sự quy tụ, phối hợp chặt chẽ của trí lực, tài lực... từ các ngành nghề liên quan. Do đó, buộc chủ đầu tư phải lựa chọn tăng giá thành hoặc giảm bớt lợi nhuận. Điều này vẫn thường là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc tiếp cận và phát triển CTX tại Việt Nam.

Theo bà Mẫu, nhiều khách hàng từng chia sẻ, họ đã thay đổi tư duy và quyết định chọn CTX Diamond Lotus để đầu tư và an cư sau khi tìm hiểu thông tin về những lợi ích của công trình xanh tiêu chuẩn Leed mà Phúc Khang đang phát triển. Những thực chứng, những hình ảnh mới về tiến độ, công trường xanh thực tế đã hoàn toàn thuyết phục những khách hàng khó tính và họ có nhận thức mới về môi trường sống, có thêm những tư duy tích cực về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tính nhân văn trong giáo dục cộng đồng. Chúng tôi cũng rất vui mừng khi nhiều thương hiệu nổi tiếng, những nhà thầu hạng A trong lĩnh vực BĐS đã quan tâm nhiều hơn và muốn chung tay hợp lực cùng Phúc Khang phát triển công trình xanh.

ThS.KTS Nguyễn Huy Khanh đã đúc kết ra rằng, để trào lưu Kiến trúc Xanh được phát triển mạnh mẽ hơn và bền vững hơn ở Việt Nam, việc tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm sau mỗi một giai đoạn phát triển là vô cùng quan trọng. Trong quá trình hội nhập với các trào lưu tiên tiến của thế giới, chúng ta vừa phải làm, vừa phải thử nghiệm và phải học hỏi. Do đó, nếu có sai lầm là việc không thể tránh khỏi. Việc tự nhìn lại mình, cập nhật và điều chỉnh lại cách làm, phương pháp luận, và cả tư duy định hướng sẽ làm cho công cuộc sáng tạo ra các tác phẩm kiến trúc xanh của giới KTS được đúng đắn hơn, sáng suốt hơn – Đúng với định hướng căn bản của Kiến trúc Xanh là nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, phục vụ con người một các tốt đẹp hơn và nhân văn hơn.

              Theo Đình Quân (BVPL)

 


Or use your account on Blog

Error message here!

Hide Error message here!

Forgot your password?

Or register your new account on Blog

Error message here!

Error message here!

Hide Error message here!

Lost your password? Please enter your email address. You will receive a link to create a new password.

Error message here!

Back to log-in

Close