Bà Diệp Thảo được khôi phục chức vụ tại Trung Nguyên

  • Admin
  • 25-09-2018
  • 644 Lượt xem

Ngày 20-9, tòa phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, người được hai cấp tòa sơ, phúc thẩm tuyên thắng kiện. Ảnh: KP

Trước đó, tháng 9-2017, TAND TP.HCM xử sơ thẩm từng tuyên hủy quyết định bãi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên (do ông Vũ ký ban hành hồi tháng 4-2015). Đồng thời, tòa khôi phục chức danh phó tổng giám đốc của bà Thảo và yêu cầu ông Vũ không được ngăn cấm bà tham gia điều hành, quản lý với tư cách là thành viên HĐQT và phó tổng giám đốc thường trực tại tập đoàn này. Sau đó, ông Vũ và Trung Nguyên kháng cáo.

Bất ngờ xuất trình chứng cứ

Tại phiên xử phúc thẩm hôm qua (20-9) của TAND Cấp cao tại TP.HCM, đại diện phía bị đơn (ông Vũ và Trung Nguyên) xuất trình chứng cứ cho tòa, khẳng định không có việc ông Vũ ngăn cấm, cản trở bà Thảo tham gia hoạt động, điều hành, quản lý công ty (biên bản tại các cuộc họp ghi nhận có bà Thảo tham gia hoặc ủy quyền cho người khác, hoặc vắng mặt).

Tuy nhiên, luật sư của bà Thảo đề nghị HĐXX không xem xét vì cho rằng chứng cứ này vừa được xuất trình nên chưa rõ tính pháp lý cũng như chưa rõ có thật hay không. Theo luật sư, sự cản trở này không chỉ gồm lời nói miệng mà còn có văn bản của ông Vũ không cho bà Thảo về Tập đoàn Trung Nguyên

 

Tranh luận căng thẳng

Tại phiên tòa, một luật sư phía ông Vũ đề nghị HĐXX đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà Thảo về việc hủy quyết định bãi nhiệm bà vì đối tượng khởi kiện không còn. Theo luật sư này, sau khi có bản án sơ thẩm, ông Vũ đã sửa sai bằng cách ra quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định bãi nhiệm. Về việc bà Thảo cho rằng bà bị ngăn cấm, cản trở quản lý, điều hành Tập đoàn Trung Nguyên, theo luật sư, do bị đơn đã nộp tài liệu chứng cứ thể hiện không có việc này nên không có cơ sở để tòa xem xét. Từ đó luật sư đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết các yêu cầu khởi kiện của bà Thảo.

Một luật sư khác phía ông Vũ thì cho rằng việc bà Thảo yêu cầu tòa hủy bỏ quyết định bãi nhiệm không phải là tranh chấp giữa các thành viên công ty nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.

Tranh luận, một luật sư phía bà Thảo đặt vấn đề: “Tại sao phía bị đơn cho rằng đối tượng khởi kiện không còn mà vẫn kháng cáo? Tại sao một mặt kháng cáo, mặt khác lại nói HĐXX đừng xét tới và yêu cầu đình chỉ? Như vậy là tự mâu thuẫn cả về logic lẫn pháp lý”.

Theo luật sư, giữa bà Thảo và ông Vũ là quan hệ vợ chồng. Trung Nguyên do hai vợ chồng gầy dựng nên, là công sức của cả hai nên việc phân chia chồng lo đối ngoại, vợ lo đối nội (quản lý, điều hành, tài chính…) suốt một thời gian dài là hợp lý. Trước đây và hiện nay, bà Thảo vẫn là bà chủ công ty nhưng lại không được vào công ty, không được xem xét giấy tờ, sổ sách, không được gặp khách hàng, ký hợp đồng... Bà là phó tổng giám đốc thường trực - một chức danh quản lý quan trọng, một cổ đông lớn, cùng ông Vũ là đồng chủ sở hữu Trung Nguyên nhưng đã bị tước bỏ trái pháp luật quyền hạn, chức vụ và quyền quản lý. Điều đó đã tạo nên tranh chấp giữa bà Thảo với Trung Nguyên. Đây rõ ràng là tranh chấp được quy định tại khoản 4 Điều 30 BLTTDS 2015, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.

Cạnh đó, Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2015 cũng quy định về quyền của cổ đông được kiện người quản lý công ty (bao gồm tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT) khi người quản lý công ty vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty. Ngoài ra, việc bãi nhiệm trái pháp luật đối với bà Thảo còn vi phạm điều lệ của Trung Nguyên. Vì thế, bà Thảo có quyền khởi kiện đối với tập đoàn này.

Luật sư đề nghị HĐXX bác kháng cáo của phía bị đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm vì theo Luật Doanh nghiệp 2015 và điều lệ của Trung Nguyên thì chủ tịch HĐQT không có quyền miễn nhiệm người quản lý quan trọng của công ty.

Đại diện VKS cũng nêu quan điểm là không chấp nhận kháng cáo của phía bị đơn vì không có cơ sở và đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Cuối cùng, HĐXX chấp nhận đề nghị của luật sư phía bà Thảo và đại diện VKS, tuyên bác kháng cáo của phía bị đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bà Thảo từng làm gì ở Trung Nguyên?

Chức danh phó tổng giám đốc thường trực là chức danh quản lý quan trọng của công ty, được bà Thảo nắm giữ liên tục từ ngày 8-5-2006. Bà Thảo đã thay mặt tổng giám đốc thực hiện việc quản lý, điều hành Tập đoàn Trung Nguyên như “ký duyệt tất cả hồ sơ, văn bản, quyết định, hợp đồng, tài liệu giao dịch của công ty thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc - người đại diện pháp luật của công ty; ký duyệt tất cả tờ khai, quyết toán thuế, báo cáo, thông báo, văn bản giải trình và các văn bản liên quan đến thuế trước khi nộp cho cơ quan thuế của công ty thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc - người đại diện pháp luật công ty; ký duyệt tất cả giấy tờ, văn bản giao dịch với ngân hàng nhân danh và thông qua tài khoản của ngân hàng của công ty...”.

(Trích bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM)

 

Kim Phụng (plo.vn)

http://plo.vn/phap-luat/ba-diep-thao-duoc-khoi-phuc-chuc-vu-tai-trung-nguyen-793195.html

 


Or use your account on Blog

Error message here!

Hide Error message here!

Forgot your password?

Or register your new account on Blog

Error message here!

Error message here!

Hide Error message here!

Lost your password? Please enter your email address. You will receive a link to create a new password.

Error message here!

Back to log-in

Close