Lụa Vạn Phúc - Vang bóng một thời

  • Admin
  • 11-04-2016
  • Lượt xem

Lụa Vạn Phúc nổi tiếng bao đời nay bởi vẻ đẹp và chất liệu đặc trưng, giờ lâm cảnh “ngắc ngoải”, lụa chính thống bị bóp nghẹt bởi hàng trôi nổi khắp nơi tràn về.
Phố Lụa Vạn Phúc những năm còn khởi sắc rất nhiều khách đến tham quan và đặt mua sản phẩm (Ảnh: Hữu Thắng)

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu tơ cũng không ổn định, giá cả bấp bênh khiến làng lụa Vạn Phúc lâm cảnh đìu hiu. Hơn 30% người lao động gắn bó với làng nghề phải rời xa nghề cha ông để lại để tìm cho mình cơ hội mới.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, Hiệp hội được thành lập hơn 10 năm, đến nay có hơn 400 hội viên tham gia gồm các hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

Mặc dù những năm gần đây lượng khách du lịch vẫn nhiều, bình quân mỗi năm Vạn Phúc đón hơn 10.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, mua sắm. Vạn Phúc đã có cả một con phố tơ lụa với số người tham gia kinh doanh ngày càng nhiều, tổng số gian hàng lên tới 150 gian. Tuy nhiên, một nghịch lý đã và đang từng ngày diễn ra ở đây là lượng lụa do người dân làng nghề sản xuất tiêu thụ ngày một chậm lại.

Mập mờ đánh lận, nguy cơ mất thương hiệu

Những năm gần đây, Vạn Phúc ngập tràn hàng trôi nổi từ khắp nơi đổ về, trong đó đặc biệt hàng Trung Quốc chiếm đa phần. Với đặc điểm màu sắc bắt mắt, giá thành rẻ hơn cộng với sự nhá nhem “đồng thau lẫn lộn” trong cách bán hàng nên hàng Trung Quốc thường được người bán ưu tiên mời chào và nghiễm nhiên được tiêu thụ mạnh hơn nhiều so với hàng chính thống. Thương hiệu lụa Vạn Phúc vì thế mà đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Phố lụa Vạn Phúc giờ đây tràn ngập lụa trôi nổi từ các nơi tràn về.

Thực ra trong quá trình mua bán, có những người vì tham rẻ nên lụa trôi nổi có “đất sống”, cũng có những người muốn tìm mua những vuông lụa thực sự nhưng giữa muôn vàn màu sắc sặc sỡ, độ nặng nhẹ, dày mỏng mà không thể phân biệt được hàng chính thống hay hàng trôi nổi.

Theo ông Sinh, để phân biệt được giữa sản phẩm chính thống và sản phẩm trôi nổi không đơn giản vì cùng một loại tơ, máy dệt tương tự nhau, hàng nhái được sản xuất rất tinh vi, ngay cả người trong nghề cũng khó lòng nhận ra; cái khác ở đây chủ yếu là họa tiết hoa văn, người thợ chuyên nghiệp thường nhìn vào họa tiết hoa văn và phải có kính để soi mật độ phân sợi.

Hiện nay lụa Vạn Phúc thông thường chia làm hai loại chính, loại cao cấp là sa tanh được làm từ 100% sợi tơ nguyên chất, có thể chập đôi, hoặc chập ba rồi se lấy sợi để dệt. Hoặc loại được pha với tỉ lệ 30%, 50%, 70% giữa tơ tự nhiên với sợi tổng hợp như cotton hay tơ nhân tạo (được làm từ sợi visco, polyester). Cách đơn giản để khách hàng có thể phân biệt được sản phẩm trước tiên là cảm giác khi cầm hai tấm lụa. Lụa Hà Đông khi cầm sẽ có cảm giác nhẹ hơn vì chất liệu tơ tằm bao giờ cũng nhẹ hơn chất liệu lụa khác. Tiếp đến khách hàng có thể thử bằng cách đốt sợi lụa, nếu lụa 100% nguyên chất khi cháy sẽ có mùi khét như khi tóc mình cháy. Lụa pha sợi tổng hợp cotton thì cháy không có mùi khét còn nhựa pha sợi visco bao giờ cũng để lại tàn cứng khi cháy.

Để xác định thương hiệu du lịch Vạn Phúc là du lịch làng nghề, trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng trôi nổi, ông Sinh cho biết: chỉ có biện pháp tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh trung thực, có thông tin rõ ràng cho khách hàng, giới thiệu kỹ đâu là sản phẩm chính thống đâu là mặt hàng của nơi khác, có như vậy thương hiệu làng nghề mới được đảm bảo.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Hồi tưởng lại thời kỳ hoàng kim của lụa Vạn Phúc, ông Sinh chia sẻ “Đó là quãng thời gian khoảng năm 2005 – 2006. Lúc đó tuyến phố lụa chỉ có vài hộ kinh doanh và chỉ có HTX là có gian hàng, còn một vài hộ gia đình, sản phẩm làm ra giao buôn ở một hai cửa hàng trên phố hàng Gai (Hà Nội), ít điểm bán nhưng toàn là hàng thật chứ không bày bán tràn lan, nhập nhoạng như bây giờ”.

Cao điểm nhất tổng số lụa trong làng xuất bán lên đến 12 triệu mét, bán chạy hàng gấp 5 – 6 lần bây giờ, rồi lại trầm đi một vài năm đến lúc lại phát triển mạnh, chứ như hiện tại thì chẳng có gì là khởi sắc, ông Sinh cho biết thêm.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, mọi chi phí cá nhân bị cắt giảm, hoạt động giao thương ở làng Vạn Phúc không tránh khỏi sự trầm lắng. Sức sản xuất trong làng giảm sút, chỉ bằng 30% sản lượng của những năm trước. Hiện nay, khoảng 40% máy móc rơi vào tình trạng chờ việc, không hoạt động thường xuyên. Một vài hộ kinh doanh ế ẩm, không mấy mặn mà với nghề truyền thống đã chuyển sang làm nghề khác để kiếm kế sinh nhai…

Ông Sinh cho biết thêm: Vạn Phúc giờ chỉ còn 2 cụ được phong nghệ nhân, một cụ ngoài 80 tuổi đã lẫn, cụ Nguyễn Hữu Chỉnh thì đã ngoài 70. Nguy cơ mai một nghề là có thật.

Cách đây một thế kỷ, nghề dệt lụa cũng đã từng lâm cảnh lao đao, cha ông đã từng bày tỏ nỗi niềm : “Ngậm ngùi lụa ế, tơ cao/rủ nhau đi gánh bùn ao đổ đồng”, giờ bối cảnh này lại một lần nữa bủa vây con người làng lụa Vạn Phúc. Đấy là xưa kia khi ruộng nhiều, những lúc cơ hàn người dân làng lụa còn có cách kiếm sống bằng việc đi gánh bùn thuê cho nông dân. Giờ đây, hầu hết ruộng đất đã nhường chỗ cho đô thị, nhà máy; nghề nông đâu còn chỗ cho người Vạn Phúc.

Bao giờ cho đến ngày xưa, câu hỏi đó dành cho chính người dân làng Vạn Phúc, liệu tâm huyết, nghị lực, sự tìm tòi có đủ để người Vạn Phúc vực dậy làng nghề để lụa Vạn Phúc lại kiêu hãnh trở về?
 
(Theo Làng Nghề Việt Nam)
  


Or use your account on Blog

Error message here!

Hide Error message here!

Forgot your password?

Or register your new account on Blog

Error message here!

Error message here!

Hide Error message here!

Lost your password? Please enter your email address. You will receive a link to create a new password.

Error message here!

Back to log-in

Close