Những chuyện “động trời” ở dự án đầu tư du lịch MGA tại An Giang: Kỳ 1: Làm giả quyết định của UBND tỉnh, chỉ bị phạt 2,5 triệu đồng

  • Admin
  • 08-05-2019
  • 653 Lượt xem

 Làm giả quyết định và chữ ký Chủ tịch UBND tỉnh để… giao đất thực hiện dự án cho công ty của mình. Lợi dụng danh nghĩa Bà Chúa Xứ để trục lợi kinh doanh “buôn thần bán thánh”. Không có quy hoạch, thiết kế, chưa được UBND tỉnh An Giang giao đất đã tiến hành xây dựng, hình thành nhiều công trình trên đỉnh Núi Sam, Khu di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Tự ý đặt thùng công đức trong khu du lịch… Đó là những chuyện “động trời” đã và đang xảy ra tại Công ty Cổ phần MGA Việt Nam có trụ sở tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.

 

Kỳ 1: Làm giả quyết định của UBND tỉnh, chỉ bị phạt 2,5 triệu đồng

Quyết định số 29006 do ông Nguyễn Phi Tiến làm giả của UBND tỉnh An Giang.

Ông Nguyễn Phi Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MGA Việt Nam, chủ đầu tư dự án du lịch cáp treo Núi Sam tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, thừa nhận hành vi làm giả quyết định của UBND tỉnh An Giang về việc giao 16.000m2 đất trên đỉnh núi cho công ty thực hiện dự án. Thế nhưng hành vi này chỉ bị xử lý hành chính với mức phạt 2,5 triệu đồng. Giám đốc Công an tỉnh An Giang giải thích rằng, vì muốn giảm bớt tù tội và vì ông Tiến là một nhà đầu tư nên đã không xử lý hình sự (?!). Lẽ nào nhà đầu tư có thể đứng trên pháp luật?

Không khởi tố vì là nhà đầu tư

Công ty Cổ phần MGA Việt Nam (trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh) do ông Nguyễn Phi Tiến làm Tổng Giám đốc, chủ đầu tư dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - Cáp treo Núi Sam, tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Dự án gồm hai khu vực chính: Dưới chân núi (đối diện Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam và Lăng Thoại Ngọc Hầu) và trên đỉnh Núi Sam. Theo thông tin từ website của công ty này, dự án có hai giai đoạn: Giai đoạn I, gồm các hạng mục: cáp treo, đền một cột, đền thuyết pháp, quảng trường, bãi đậu xe, khu nhà hàng với vốn đầu tư 486 tỷ đồng; Giai đoạn II, gồm các công trình: chợ nổi, khách sạn 5 sao, tháp Châu Đốc cao 117m, đền Dược sư… Đây được xem là nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch của tỉnh An Giang nên nhận được rất nhiều ưu ái.

Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án lại liên tiếp gây ra những chuyện “động trời”, sai phạm trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bất chấp quy định của pháp luật. Điển hình là hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức nhà nước do chính ông Nguyễn Phi Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MGA Việt Nam trực tiếp thực hiện.

Khoảng 10 giờ, ngày 21-3-2018, ông Nguyễn Phi Tiến gửi hình ảnh quyết định số 29006, ngày 9-2-2018, của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Vương Bình Thạnh ký với nội dung giao lại 16.000m2 đất trên đỉnh núi Sam thuộc quản lý của UBND phường Núi Sam cho Công ty Cổ phần MGA Việt Nam để thực hiện dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ Cáp treo Núi Sam cho ông Lê Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Núi Sam qua mạng Zalo. Ông Phương chuyển tin nhắn trên (có hình ảnh quyết định 29006) cho ông Lê Bảo Kỳ, Phó Trưởng phòng TN-MT TP Châu Đốc. Ông Kỳ tiếp tục chuyển tin nhắn cho ông Trần Thanh Tùng, Phó Chi cục trưởng Quản lý đất đai thuộc Sở TN-MT tỉnh An Giang để hỏi ông Tùng có tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định số 29006 không? Ông Tùng trả lời, Sở TN-MT không tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định trên.

Đến ngày 2-6-2018, ông Kỳ trình báo với Cơ quan CSĐT Công an TP Châu Đốc về dấu hiệu nghi vấn làm giả tài liệu, quyết định trên của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MGA Việt Nam. Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Châu Đốc đã vào cuộc điều tra, xác định, quyết định số 29006, ngày 9-2-2018, có hình dấu UBND tỉnh và chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Vương Bình Thạnh (nay là nguyên Chủ tịch, ông Vương Bình Thạnh nghỉ hưu từ 1-4-2019) là quyết định giả cho chính ông Nguyễn Phi Tiến làm ra.

Theo báo cáo kết quả điều tra của Công an TP Châu Đốc, để tạo ra quyết định giả 29006, ông Tiến dùng máy tính bàn và điện thoại di động có kết nối internet, tự soạn thảo nội dung quyết định dựa trên quyết định số 2906 ngày 2-10-2017 của UBND tỉnh An Giang. Sau đó, dùng kỹ thuật photoshop sao chụp hình dấu UBND tỉnh và chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Vương Bình Thạnh trên quyết định số 2906 sang quyết định số 29006.

“Tuy nhiên, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT không có căn cứ chứng minh động cơ, mục đích của ông Tiến tạo ra quyết định 29006 là giả quyết định của UBND tỉnh An Giang là vì vụ lợi? Ông Tiến khai mục đích là nhằm xả tresss. Đồng thời, cũng chưa phát hiện ông Tiến dùng quyết định giả này để thực hiện hành vi trái pháp luật khác. Vì vậy, lãnh đạo hai ngành pháp luật TP Châu Đốc thống nhất hướng xử lý ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự trên”, Đại tá Lê Văn Tiền, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang nói.

Thượng tá Phạm Thành Mỹ, Trưởng Công an TP Châu Đốc nói: “Trong quá trình điều tra, ông Tiến khai mục đích tạo ra quyết định giả là để “khè” lãnh đạo phường Núi Sam thôi, chứ không có mục đích gì khác hay sử dụng làm việc phi pháp. Tôi phải đích thân ra tới Đồng Nai ôm chiếc CPU về vì quyết tâm xử lý hình sự đó chứ, nhưng không đủ căn cứ”.

“Mặc dù hành vi của ông Tiến có dấu hiệu của tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức theo quy định tại khoản 1, điều 341 Bộ luật Hình sự nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, căn cứ vào khoản 2, điều 8, Bộ luật Hình sự năm 2015; khoản 2 điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan CSĐT Công an TP Châu Đốc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ. Chúng tôi không bao che gì cả”, Đại tá Lê Văn Tiền nói.

Còn Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho rằng, hành vi của ông Nguyễn Phi Tiến hoàn toàn có thể xử lý hình sự được. “Nhưng vì tôi muốn giảm bớt tù tội, hơn nữa, họ là nhà đầu tư nên mình phải ưu ái và chỉ xử lý vi phạm hành chính thôi”.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang Nguyễn Bảo Trung - người phát ngôn của tỉnh này, cũng nói: “Ông Nguyễn Phi Tiến đã thừa nhận hành vi làm giả quyết định trên của UBND tỉnh nhưng xin kiểm điểm rút kinh nghiệm. Vì ông này là nhà đầu tư nên tỉnh có ưu ái, không xử lý trách nhiệm hình sự”.

Khu du lịch do Công ty Cổ phần MGA Việt Nam đầu tư, nơi ông Nguyễn Phi Tiến làm giả quyết định của UBND tỉnh An Giang.

Có bỏ sót tội phạm?

Kết quả điều tra xử lý của Công an TP Châu Đốc đối với hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức nhà nước đối với hành vi của ông Nguyễn Phi Tiến đã khiến dư luận người dân TP Châu Đốc và tỉnh An Giang hết sức bất ngờ và phản ứng gay gắt.

Một cán bộ hưu trí ở TP Châu Đốc cho rằng, Công an TP Châu Đốc khẳng định việc ông Nguyễn Phi Tiến làm ra quyết định giả số 29006, ngày 9-2-2018, của Chủ tịch UBND tỉnh là không có động cơ, mục đích hay vụ lợi là không thuyết phục. Bởi thời điểm ông Tiến trưng ra quyết định giả trên để “khè” lãnh đạo phường Núi Sam trùng với thời điểm nóng liên quan vụ Công ty Cổ phần MGA Việt Nam xây dựng tượng Bà Chúa Xứ trái phép trên đỉnh Núi Sam, ngay trong phần đất thuộc phạm vi của quyết định giả này. Còn Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang lại cho rằng, việc ông Tiến làm ra quyết định giả nêu trên là nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án của công ty.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc Cơ quan CSĐT Công an TP Châu Đốc không khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Phi Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MGA Việt Nam là bỏ lọt tội phạm.

“Đối với hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức là phải khởi tố, bắt tạm giam ngay. Đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP Châu Đốc điều tra làm rõ”, luật sư Ngọc Nữ quả quyết.

Luật sư viện dẫn “Tội làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo luật sư Ngọc Nữ, làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành cơ bản của tội này. Tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân là tội phạm đã hoàn thành. Nhưng hậu quả lại là tình tiết định khung hình phạt. Do đó, việc xác định hậu quả do hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức gây ra là rất cần thiết. Vì nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm C, khoản 2, Điều 342 Bộ luật Hình sự; nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 3, Điều 342 Bộ luật Hình sự”, luật sư Ngọc Nữ phân tích.

Cùng quan điểm, luật sư Hà Thị Hồng Quyên, Văn phòng Luật sư Trần Thành, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh khẳng định, hành vi trên của ông Nguyễn Phi Tiến đã hoàn thành, đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm nên không thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư Quyên cho biết thêm, người làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức dù có sử dụng hay không cũng đều phạm tội.

“Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”, luật sư Hồng Quyên nói.

Ông Nguyễn Phi Tiến, người trực tiếp làm giả quyết định của UBND tỉnh An Giang nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì ưu ái là nhà đầu tư. (Nguồn: Internet)

 

Phạt nghiêm khắc: 2,5 triệu đồng?

Đại tá Lê Văn Tiền nói, việc ông Nguyễn Phi Tiến tạo ra quyết định số 29006 giả của UBND tỉnh An Giang đã ít nhiều gây ảnh hướng đến uy tín của UBND tỉnh An Giang và uy tín cá nhân ông Vương Bình Thạnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nên cần phải xử lý hành chính để cảnh cáo, răn đe, không tiếp tục tái phạm.

Lãnh đạo hai ngành pháp luật TP Châu Đốc đề xuất ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Phi Tiến về hành vi viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng uy tín của tổ chức, cá nhân được quy định tại điểm 1, khoản 3, điều 5, Nghị định 167 ngày 12-11-2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự. Mức phạt được cho là nghiêm khắc của Công an TP Châu Đốc đối với hành vi trên của ông Tiến lên đến… 2,5 triệu đồng?

Bài và ảnh: Bùi Quốc Dũng (nhandan.com.vn)

http://nhandan.com.vn/xahoi/item/40102002-ky-1-nhung-chuyen-%E2%80%9Cdong-troi%E2%80%9D-o-du-an-dau-tu-du-lich-mga-tai-an-giang.html?fbclid=IwAR2J5pT7lPmZ5j7_Fp7BzH5S2A85if5syUGDF7O7gZa0wro3lM4XcWwFMNc


Or use your account on Blog

Error message here!

Hide Error message here!

Forgot your password?

Or register your new account on Blog

Error message here!

Error message here!

Hide Error message here!

Lost your password? Please enter your email address. You will receive a link to create a new password.

Error message here!

Back to log-in

Close